bài làm
Sông Đà (1960) là một mốc son trong lộ trình nửa thế kỉ sáng tác, đánh dấu bước chuyển quan trọng của nhà văn Nguyễn Tuân đi từ thế giới của cái “tôi” đến thế giới của cái “ta”. Hay nói như nhà thơ Pháp p. Êluya “Từ chân trời một người đến chân trời tất cả”. Người lái đò Sông Đà (Trích, SGK Ngữ văn 12) là một trong những thiên tùy bút xuất sắc, thêm một lần nữa khẳng định phong cách tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Đã có nhiều bài viết về Người lái đò Sông Đà từ các phương diện nội dung đến hình thức. Có thể nói, Nguyễn Tuân đã được độc giả tinh hoa và giới phê bình tiếp cận một cách khá toàn diện và sâu sắc. Tuy nhiên văn chương (nghệ thuật ngôn từ) là nói mãi không cùng. Một tác phẩm văn chương thành công chính là nó để lại những ấn tượng khó phai mờ, những liên tưởng sâu xa, hơn thế là những ám ảnh nghệ thuật, những phát hiện liên thời gian và không gian.
Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân có ba yếu tố ưu trội: con người – thiên nhiên – ngôn từ. Hai yếu tố đầu nhiều nhà phê bình đã phân tích rất kĩ càng. Nhưng thiết nghĩ, ngôn từ như một yếu tố ưu trội trong sáng tác của Nguyễn Tuân nói chung, Người lái đò Sông Đà nói riêng, có thể vẫn còn khoảng rộng để chúng ta tiếp tục thăm dò, phát hiện. Nói Nguyễn Tuân là một bậc thầy ngôn từ văn chương không có gì quá. Thậm chí có người còn thích sử dụng từ “xảo thủ”, hơn thế là một “phù thủy” khi nói về biệt tài “điều khiển chữ nghĩa” của nhà văn.
Đọc Người lái đò Sông Đà một cách kĩ càng rồi ngẫm ngợi – từ góc nhìn văn hóa – sẽ thấy cái nhã thú văn chương mà nhà văn neo vào lòng ta. Neo vào lòng ta cái đẹp cuộc sống, cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp con người. Đã đành. Nhưng những cái đẹp đó đi qua, lọc qua, thẩm thấu, ánh lên qua ngôn từ. Không phải là tất cả, mà độc giả tinh hoa và giới phê bình có con mắt xanh đều nhận ra “tính nhịp điệu” trong văn xuôi Nguyễn Tuân. Định nghĩa “Nhịp điệu” (tiếng Pháp – rythme) khá đầy đủ trong sách Từ điển thuật ngữ văn học (Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 2004). Chúng tôi chú ý đến phần tường giải gắn với văn xuôi: “Trong văn xuôi, nhịp điệu của tổ chức lời văn được hình thành trên cơ sở sự phân tách văn bản thành chương, hồi, đoạn. Câu văn dài, ngắn, khúc khuỷu được lặp lại cũng tạo nên nhịp điệu cảm nhận đời sống” (tr.238).
Mối quan tâm của chúng tôi chính là kiến trúc của câu văn để tạo nên nhịp điệu văn xuôi trong Người lái đò Sông Đà. Trong nhiều bài viết về Nguyễn Tuân, chúng tôi nhận thấy đa số các ý kiến tập trung bàn về tính chất tạo hình của câu văn. Đúng nhưng chưa đủ. Một lần đọc Nguyễn Minh Châu viết về Nguyễn Tuân, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một nhận định: “Đọc lại Sông Đà của Nguyễn Tuân, câu văn Nguyễn Tuân viết như đem vật từng tảng đất trên trang giấy. Từng termes dans la phrase có cái chất uy nghi chung của hình thức như cái đỉnh ba chân cao đặt trước sân rồng. Nói chung câu văn Nguyễn Tuân câu nào cũng nặng, nhịp điệu nặng vì thế nếu ý mà nhẹ, nhẹ tếch đi là chết. Câu văn của ông ta cũng như khổ người của ông ta nặng nề, chậm một cách đủng đỉnh, bệ vệ và uy nghi, vì thế khi cái nội dung bên trong khuyết đi ít nhiều, chỉ cần ít nhiều, là thứ văn Nguyễn Tuân bị hẫng” (Nguyễn Tuân – Tác phẩm và dư luận, NXB Văn học, 2002, tr.223). Nhiều bạn đọc lấy làm thích thú vì những chữ “nhịp điệu nặng” mà Nguyễn Minh Châu phát hiện, dùng để nói về nhịp điệu văn xuôi Nguyễn Tuân. Có thể điều này ứng cả vào Người lái đò Sông Đà? Chúng ta thử đọc lại một số câu văn, như cách nói của Nguyễn Minh Châu, để cảm nhận cho tường tận và thấu đáo cái “nhịp” điệu nặng” trong văn xuôi Nguyễn Tuân: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc – bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông”. Nói văn Nguyễn Tuân có cái “nhịp điệu nặng” có thể vì câu văn của ông thường tầng tầng lớp lớp, bề bộn chữ, nặng trĩu ý, đa tầng nghĩa. Có người nói quá đi là nhà văn thích bày biện câu chữ. Có lẽ nói như Nguyễn Minh Châu thì đúng hơn, mỗi khi viết nhà văn như một thợ đấu “vật từng tảng đất trên trang giấy”.
Nhưng nếu nói văn Nguyễn Tuân chỉ thuần những “nhịp điệu nặng” thì cũng chưa thấu đáo, toàn diện. Một nhà văn tài năng như Nguyễn Tuân quyết không bao giờ để văn mình trở nên đơn thuần, đơn giản, đơn điệu. Nên nhớ là con Sông Đà trong mắt Nguyễn Tuân mang đặc tính kép “hung bạo và trữ tình”. Vì thế khi viết về sự “hung bạo” của nó, tất nhiên câu văn mang “nhịp điệu nặng”. Nhưng còn một Sông Đà trữ tình, chả nhẽ nhà văn cứ thế áp mãi vào cái “nhịp điệu nặng”? Chúng tôi thấy nhà phê bình văn học Phan Huy Dũng nhận xét công bằng hơn: “Để có thể khách thể hóa được đối tượng và đóng đinh nó vào trí nhớ độc giả, Nguyễn Tuân đã tung ra nhiều “độc chiêu” ngôn ngữ tưởng chỉ mình ông mới có. Khi miêu tả những con thác vô cùng “độc dữ, nham hiếm” câu văn của ông mang nhịp điệu dồn dập, kích thích. Nhưng khi ngợi ca “con Sông Đà gợi cảm” câu văn lại thư duỗi hết sức êm ả nghe như tiếng hát ngân nga” (Nguyễn Tuân – Tác phẩm và dư luận, NXB Văn học, 2002, tr.241). Như vậy theo nhà phê bình văn học thì, nhịp điệu văn xuôi Nguyễn Tuân trong Người lái đò Sông Đà bao hàm cả “nhịp điệu nặng” (nhịp điệu dồn dập, kích thích) và “nhịp điệu thư duỗi” (nhịp điệu êm ả, ngân nga). Nó gợi liên tưởng nhịp điệu của sóng trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Xuân Quỳnh – “dữ dội và dịu êm”, “ồn ào và lặng lẽ”. Khó có thể cân đo đong đếm xem phần nào nặng, phần nào nhẹ theo tỉ lệ phần trăm. Nhưng có lẽ ấn tượng của Người lái đò Sông Đà để lại trong kí ức người đọc, theo chúng tôi, lại là những câu văn có “nhịp điệu thư duỗi” – êm ả, ngân nga, nối dài liên tưởng, kiểu như: “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đố mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ’.
Trong Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã “trồng” những câu văn dài, ngắn khác nhau. Bút pháp này cũng tạo nên cái nhịp “khúc khuỷu” của văn xuôi Nguyễn Tuân. Vậy là có cả cái nhịp điệu thứ ba trong văn xuôi Nguyễn Tuân – “nhịp khúc khuỷu”? Những câu văn ngắn (5, 6, 7, 9, 11 chữ): “Con Sông Đà gợi cảm”, “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà”, “Mà tịnh không một bóng người”, “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”, “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ”, “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử’, “Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”,… Những câu văn ngắn chen giữa những câu văn dài (trên 40 chữ, dài nhất 47 chữ) tạo ra cái nhịp như ngựa phi (có thể gọi là “mã nhịp” chăng?), lúc nước kiệu, lúc nước đại. Khúc khuỷu và dồn dập. Văn Nguyễn Tuân vì thế năng động, khẩn trương nhưng không ồn ào, vội vã. Một lối văn khi đọc lên hối thúc tư duy.
Nhịp điệu văn/thơ chính là ánh phản “điệu tâm hồn” của nghệ sĩ ngôn từ. Nếu có thể nói thì, Nguyễn Tuân không thuộc số người sống nhanh, nhưng cũng không thuộc số người sống chậm. Điệu hồn nào thì sản sinh ra cấu trúc văn/thơ ấy. Nói Nguyễn Tuân không thuộc số người sống nhanh là bởi ông đam mê hơn cả những vẻ đẹp đã “vang bóng một thời”. Có vẻ như ông chỉ thích thú nhấm nháp, nghiền ngẫm quá khứ. Ngay cả trong bối cảnh khẩn trương sôi sục của thời đại cách mạng, một ngày bằng hai mươi năm, mà ông vẫn ngắm nghía và nhẩn nha thưởng thức nào “Phở”, nào “Giò”, nào “Tờ hoa”,… Nhưng cũng không thể nói là ông sống chậm được. Bởi lẽ ông là người nhạy cảm với thời thế. Trước và ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã viết Chùa Đàn, rồi sau đó theo sát cuộc trường chinh của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến với những Đường vui, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Một người chỉ thu lu trong nhà mình, nhấm nháp quá vãng làm sao có thể hít thở không khí đời sống mới, làm sao có thể có một vốn từ vựng mới, cảm xúc mới, nhãn quan mới mẻ để viết được Người lái đò Sông Đà? Và trong máu là một người thích “xê dịch” thì làm sao mà nhà văn lại có thể án binh bất động được. Nguyễn Tuân là con người đa nhân cách. Ông là một khối tưởng như mâu thuẫn nhưng thống nhất giữa “hướng ngoại” và “hướng nội”, giữa “kiêu hãnh” và “khiêm tốn”, giữa “bảo thủ” và “đổi mới”, giữa “an nhiên” và “dấn thân”.
Một điệu tâm hồn, như Nguyễn Tuân, luôn luôn yêu quý, nâng niu và trân trọng cái Đẹp. Đôi khi vì thế người ta gọi ông là người duy mỹ (nghệ thuật vị nghệ thuật). Nhưng có lẽ con đường đến với cái Đẹp của Nguyễn Tuân phản ánh đúng quy luật của những tài năng nghệ thuật chân chính – sáng tạo ra cái Đẹp không phải như một phương tiện mà là như một mục đích. Độc giả tinh anh nhận ra Nguyễn Tuân chính là người nghệ sĩ đích thực suốt cuộc đời cầm bút mê mải đi tìm cái Đẹp và cái Thật bằng nghệ thuật ngôn từ.