BÀI LÀM
Điều gì thôi thúc nghệ sĩ cầm bút? Điều gì buộc nhà văn lao vào quá trình sáng tạo để tạo nên đứa con tinh thần của mình? Với Nekratxtop đó là: “Nỗi đau khổ từ lâu bị kiềm chế chế nay sôi sục dâng lên trong lòng”. Với Lemonxtop lại là: “ Những đêm không ngủ mắt rực cháy lòng ngập tràn nhớ nhung”. Còn với Kim Lân - nhà văn được mệnh danh là “con đẻ của đồng ruộng” thì đó lại là nỗi băn khoăn trăn trở về cuộc đời về số phận của những con người nghèo khổ dưới bức phông nền u tối, xám xịt của nạn đói năm 1945. Tất thảy điều đó đều được gửi gắm trong truyện ngắn “Vợ nhặt” - một câu chuyện cổ tích giữa đời thường được vun đắp từ tình yêu thương giữa con người với con người.Và ở đó nhà văn tập trung khắc họa những biến đổi lớn của họ khi có tình yêu tác động. Đó là khung cảnh buổi sáng hôm sau thể hiện qua chuyển biến tâm lí của nhân vật anh cu Tràng trong đoạn trích “Sáng hôm sau mặt trời lên bằng con sào… tu sửa lại căn nhà”.
Nhắc đến Kim Lân ta yêu sao một nhà văn gắn bó máu thịt với đời sống nông thôn. Ông là nhà văn chuyên viết về nông thôn và cuộc sống của những người nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ. Những trang viết về làng quê của ông đâu đâu cũng là đất là hương vị là nếp sống làng quê Việt Nam phả vào dung dị và chân chất. Bởi thế mà nhà văn Nguyên Hồng từng nhận xét: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất với người với thuần hậu nguyên thủy nông thôn”. Ông thuộc mẫu nhà văn “Quý hồ sinh bất quý hồ đa”, “Viết kỹ lưỡng, viết từ sâu gan ruột, không chấp nhận sự nhạt nhẽo giả tạo”. Sự nghiệp sáng tác của ông không nhiều nhưng đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giàu giá trị. “Vợ nhặt” là một tác phẩm như thế. Truyện ngắn được coi là một kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân được rút ra từ tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Tiền thân của truyện ngắn “Vợ Nhặt” là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay khi cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn gian khổ và bị mất bản thảo. Sau này, khi hòa bình lặp lại ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để sáng tạo nên truyện ngắn “Vợ Nhặt”. Quá trình Sáng tạo thể hiện sự chiêm nghiệm kỹ lưỡng của tác giả để thai nghén lên đứa con tinh thần của mình.
Tố Hữu đã từng khẳng định “Văn học là cuộc đời, cuộc đời là nơi xuất phát và đích đến của văn học” Bởi vậy, nếu ngòi bút của anh không chấm vào nghiên mực của cuộc đời thì tác phẩm không in đậm dấu ấn của thời đại. Hơn ai khác, Kim Lân hiểu rất rõ điều đó. Nhà văn đã lấy bối cảnh âm u, xám xịt của bức tranh nông thôn Việt Nam những năm 1945 nơi đâu cũng toàn là đói khổ, cái đói như cơn lốc tố nhấn chìm con người vào cõi bi thương, cõi âm cõi dương như hòa lại thành một. “Vợ nhặt” của Kim Lân xuất hiện như một tia chớp loé lên giữa màn đêm u tối đó. Với bút pháp hiện thực đặc sắc, Kim Lân đã miêu tả sự hiện hình của cái đói giống như một cuộc thảm họa càn quét, hủy diệt mọi sinh linh. Tuy nhiên, nhà văn vẫn làm nổi bật lên trong những con người lầm lũi đi trong bóng tối ấy sự sống đang tiềm tàng nảy nở. Tác giả đã khéo léo dựng lên khung cảnh buổi sáng hôm sau khi Tràng nhặt được vợ.
Kim Lân thật tài tình khi chọn không gian, thời gian buổi sáng làm lăng kính nghệ thuật. Để anh cu Tràng thức dậy trong buổi sáng mùa hè với ánh nắng chan hòa, rực rỡ tất cả như bừng lên, gợi lên một điều gì mới mẻ, một khởi đầu đầy hi vọng. Ánh nắng là bình minh của buổi sáng cũng là bình minh của hạnh phúc, bình minh của đời người. Kể từ khi Tràng dẫn vợ về nhà, gia đình sum họp, nhà Tràng như bừng lên không khí mới. Bởi vậy, không gian buổi sáng, khung cảnh trước nhà...tất cả đều gợi lên sự gần gũi, thân thuộc nhen lên niềm vui mới cho Tràng.
Tràng là nhân vật chính trong đoạn trích. Mạch tự sự và điểm nhìn trần thuật của đoạn trích nhà văn đều đặt ở Tràng. Mọi cảm nhận về không gian,thời gian về những người xung quanh đều xuất phát từ cảm nhận, tâm trạng của Tràng. Chính vì vậy mà tâm trạng tràng được khắc họa sâu sắc khi có tình yêu tác động. Có lẽ tình yêu thương đã trở thành liều thuốc tinh thần cho tâm hồn những người nông dân nghèo khổ, thôi thúc các nhà văn chắp bút viết lên những áng văn tuyệt diệu. Nếu Nam Cao miêu tả sức sống của Chí Phèo sau cái đêm tình tự với Thị Nở bằng sự tỉnh rượu rồi tỉnh ngộ mới nhận ra nhiều điều. Hắn cảm nhận ánh mặt trời khi phát quang rực rỡ, lắng nghe những âm thanh vui vẻ ríu rít xung quanh mình…. thì đến với trang văn của Kim Lân ta đã thấy hơi thở mới của Tràng sau đêm tân hôn ngập tràn hạnh phúc với sự ngỡ ngàng.Tràng hôm nay như bị cuốn vào giấc mơ có vợ mà chìm đắm vào giấc mơ mãi đến khi “mặt trời lên bằng cây sào” Tràng mới trở dậy. Anh thấy trong lòng êm ái như đi từ giấc mơ ra. Có lẽ niềm ngây ngất trong hạnh phúc mới đang âm ỉ trong lòng người đàn ông nghèo khổ này. Sự kiện Tràng có vợ diễn ra quá đỗi nhanh chóng bất ngờ hay nói cách khác niềm vui đối với Tràng quá lớn cho nên anh vẫn ngỡ ngàng, chưa tin.Điều này cũng dễ hiểu bởi giữa thời khắc đói khổ với ngoại hình, địa vị như anh có nguy cơ ế vợ rất cao. Vậy mà anh lại dễ dàng có vợ chỉ với bốn bát bánh đúc và mấy lời nói đùa.
Cảm nhận của nhân vật Tràng như được tiếp thêm, nhân lên bởi thời gian buổi sáng và cảnh sum họp gia đình. Trước mắt anh là ánh nắng rực rỡ, mẹ và vợ lúi húi quét dọn. Sân vườn trở nên quang đãng, gọn gàng: từ đống mùn rác rắc tung hoành lối đi cũng được quét sạch, từ đống quần áo vắt “khươm mươi niên” cũng được giặt giũ sạch sẽ, đến cái am nước cũng đầy ăm ắp nước. Sự quang đãng, gọn gàng đã đem đến sự trong trẻo, thư thái của tâm hồn. Đặc biệt, hôm nay bà cụ Tứ trở nên tươi tỉnh vui vẻ hẳn lên còn cô con dâu đúng mực chỉn chu nề nếp. Âm thanh tiếng chổi quét “sàn sạt” đem đến không khí vui vẻ ấm áp cho ngôi nhà. Tất cả đã tác động sâu sắc đến tâm trạng Tràng. Nhìn ngôi nhà sạch sẽ gọn gàng hắn thấy cảm động, thấm thía, tự nhiên hắn yêu và gắn bó với ngôi nhà hơn. Từ một người ngờ nghệch vô lo, vô nghĩ lúc nào cũng khạu khịa với mẹ già, giờ hắn đã thấy mình “nên người”. Đó là sự chín chắn trưởng thành của một người đàn ông nghiêm túc trong hôn nhân. Và đúng như Lê Ngọc Trà từng nói: “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm là sự tự giãi bày và gửi gắm của tâm tư”, những cảm xúc, tâm trạng của Tràng đã được Kim Lân trải dài trước những câu văn đầy thân tình như thế! Niềm khao khát hạnh phúc giờ đây gắn liền với ý thức trách nhiệm vun đắp xây dựng mái ấm gia đình.
Bước chân “xăm xăm” của hắn thể hiện thái độ chủ động đóng góp một phần của mình vào việc vun đắp, xây dựng tổ ấm. Tâm trạng nổi bật của anh cu Tràng lúc này là ý thức trách nhiệm với tổ ấm, với người phụ nữ của cuộc đời mình để cùng nhau xây dựng cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng. Ý thức, trách nhiệm ấy thể hiện rõ nhất ước mơ bình dị của Tràng về một mái ấm hạnh phúc. Cái ước mơ nhỏ bé của anh cu Tràng làm ta nhớ đến ước mơ của một anh canh điền chăm chỉ, hiền lành trong truyện ngắn “Chí Phèo”. Cái con quỷ dữ của làng Vũ Đại năm ấy, cũng từng có ước mơ về một “gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn làm thuê, vợ dệt vải”. Anh cu Tràng có vợ một cách dễ dàng nhưng không bởi vì thế mà anh coi thường vợ. Tình yêu thương mà anh dành cho vợ nó gắn liền với ý thức mang đến niềm hạnh phúc cho người phụ nữ mình yêu. Anh đã biết nhìn xa trông rộng từ trong bóng tối và đói khát chết chóc Tràng đã nhìn thấy ánh sáng tương lai qua hình ảnh lá cờ đỏ cùng đoàn người đói ầm ấm đi phá kho thóc Nhật để chia cho người nghèo. Nếu như trước đây Tràng không để ý mà còn sợ hãi thì bây giờ hắn thấy tiếc rẻ vẩn vơ. Hình ảnh lá cờ đỏ cứ bám riết lấy tâm trí anh và nhen lên trong anh niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
Bằng những câu văn tỉ mỉ, tinh tế cùng với những chi tiết nhỏ nhặt giàu giá trị Kim Lân đã diễn tả chân thực diễn biến tâm trạng của nhân vật anh cu Tràng buổi sáng hôm sau. Từ đó làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, đó là: khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng. Mỗi chi tiết, mỗi hình ảnh trên trang văn của Kim Lân đều in đậm tấm lòng của nhà văn đối với những con người “mặc bộ đồ tôi tớ” nhưng tâm hồn không tôi tớ. Nhà văn luôn trân trọng ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn. Ông đã viết về họ bằng tất cả máu và nước mắt của một nhà văn chân chính. Đúng như Lâm Ngũ Đường từng khẳng định: “ Văn chương cổ kim đều viết bằng huyết lệ”. Sức sống của Tràng làm ta liên tưởng tới Paven trong tiểu thuyết nổi tiếng: “Thép đã tôi thế đấy”của Nikolai Ostrovsky: “Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời không thể được nữa”. Phải chăng đó cũng chính là bức thông điệp mà Kim Lân muốn gửi tới độc giả.
Cùng viết về nạn đói năm 1945 nhưng trong một số tác phẩm của các nhà văn hiện thực như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan nhân vật hiện lên đơn độc, nhỏ bé,là nạn nhân của hoàn cảnh, rơi vào bước đường cùng thì nhân vật trên trang văn của Kim Lân hiện lên khỏe khoắn, lạc quan, yêu đời, có sức sống mãnh liệt, tái tạo được hoàn cảnh. Họ không đơn độc, nhỏ bé mà là những con người của tập thể, con người của quần chúng. Có sự khác biệt như vậy là bởi truyện ngắn Vợ Nhặt được viết khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc Cách mạng tháng Tám soi đường và thay đổi nhãn quan chính trị của Kim Lân và các nhà văn cùng thời. Chính vì vậy, nhân vật trong các tác phẩm ra đời trong giai đoạn này hầu hết là nhân vật của tập thể, con người của quần chúng cách mạng. Họ từ bóng tối đi ra ánh sáng. Đó cũng là đặc điểm của nền văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Viết về cái đói là thách thức của bất cứ nhà văn nào bởi hầu hết các nhà văn chỉ thấy được sự bi thảm bần cùng dẫn con người đến cái chết còn Kim Lân thì viết về cái đói ông muốn cho người đọc hiểu một điều rằng: “ Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Nói như Sê - Khốp: “Một nhà văn chân chính là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”, Kim Lân đã làm tròn sứ mệnh ấy trong những trang văn lấp lánh ánh sáng của tình người
Nhà văn Thạch Lam từng nói: “Văn chương là một thứ vũ khí sắc bén, đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Và trang văn của Kim Lân cũng chính là thứ vũ khí sắc bén đó. Gấp lại trang sách, nhưng ấn tượng về tâm trạng: “lửng lơ êm ái” của Tràng vẫn in đậm trong tâm trí bạn đọc. Ta thêm yêu sao những con người lao động nghèo khổ và càng trân trọng biết bao tài năng, tấm lòng của nhà văn Kim Lân.