Menu Chuyến tàu văn học

Đề bài: Bằng sự hiểu biết của mình, hãy làm rõ ý kiến: “Với Sang thu, Hữu Thỉnh đã làm mới cho thơ thu”

Cập nhật 16:04, 15/04/2024 Cô Ngọc Anh

BÀI LÀM

Mùa thu là nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Cảm hứng ấy đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật, những áng thơ bất hủ. Từng có chùm thơ nức danh của cụ Tam Nguyên Yên Đổ: “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm”, bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư nhỏ nhẹ và khiêm nhường…Hữu Thỉnh cũng góp vào vườn thơ thu một “Sang thu” đầy hương sắc. Thi phẩm mang nét hoài cổ, tiếc nuối, bâng khuâng về những gì đã đi qua, và ngỡ ngàng, xao xuyến trước những gì đang tới. Vẫn mang dáng dấp cổ điển và điệu hồn dân tộc nhưng ở “Sang thu” lại kết tinh những nét riêng độc đáo. Bởi thế mà có ý kiến cho rằng: “Với Sang thu, Hữu Thỉnh đã làm mới cho thơ thu”.

Mùa thu là mùa nhạy cảm bậc nhất trong năm. Người xưa từng nói: “Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời”, phải chăng đó là mối tương thông, giao hoà kì lạ giữa mùa thu – lòng người và thi ca? Đúng vậy! Mùa thu ban tặng cho thi ca nhiều tứ thơ tuyệt đẹp. Thơ thu “góp mặt” trong suốt dòng chảy của văn học Việt Nam. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến đến Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi…

Để ý kĩ sẽ thấy, trong thơ xưa, nói đến mùa thu nhất nhất phải có sương sa, lá ngô rụng, rừng phong xác xơ đẫm màu bi thương. Nét buồn ấy còn vương vấn đến tận thơ mới! Trong thi phẩm “Tỳ bà” ta từng bắt gặp hình ảnh cây ngô đồng:

“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”

Cũng từng bắt gặp nét buồn của nàng thu trong thi phẩm “Bài thơ tình ở Hàng Châu” của Tế Hanh:

“ Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây”

Và trong “Đây mùa thu tới”, Xuân Diệu cũng đã ghi lại nét đìu hiu của rặng liễu:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

Nhưng đến thơ thu hiện đại sau Cách mạng, nét đìu hiu, buồn lặng, thê lương dường như không còn nữa:

“Mùa thu nay đã khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới..”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Đến Hữu Thỉnh, “Sang thu” không chỉ dừng lại ở cảnh thu – cảnh thu đã đi vào hồn người để thấy bâng khuâng tiếc nuối, để nhận ra cái triết lí về quy luật đời người. Thi phẩm được Hữu Thỉnh viết năm 1977 – hai năm sau khi đất nước thống nhất, những người lính như nhà thơ được trở về từ chiến trường. Có lẽ đây là những giây phút thư thái để nhà thơ cảm nhận vẻ đẹp bình dị của quê hương, của cuộc sống thanh bình khi nàng thu gõ cửa. Với âm hưởng nhẹ nhàng mà sâu lắng, bài thơ đã ghi lại những cảm nhận tinh tế của tác giả trước những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt trong khoảnh khắc chuyển mùa ở nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ. Chính những cảm nhận tinh tế, Hữu Thỉnh đã phát hiện những nét mới lạ để làm mới thơ thu.

Trước hết, “Sang thu” mới ở mạch vận động cảm xúc và hình tượng thiên nhiên. Cùng viết về đề tài mùa thu, Hữu Thỉnh và Xuân Diệu đều chọn thời điểm giao mùa: cuối hạ - đầu thu của thiên nhiên. Nếu ở Xuân Diệu, cảm hứng nghiêng về thời gian, sự vận động hết sức tinh vi của tạo vật: mùa thu từ xa đến, đáp xuống rặng liễu, rồi dần dần từng bước gặm nhấm, chiếm đoạt toàn bộ thiên nhiên, cỏ cây, lan toả ra cả bầu trời rồi đọng lại ở lòng người. Mùa thu đi đến đâu cảnh sắc biến đổi đến đấy. Còn Hữu Thỉnh bắt đầu rung động trước sự biến đổi của tạo vật từ mơ hồ đến rõ nét. Mùa thu tới đang xâm lấn dần mùa hạ. Bước đi của nàng thu được diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế, sâu sắc, bắt đầu từ hương ổi qua sự vận động của gió, làn sương “chùng chình”, dòng sông, cánh chim, đám mây, nắng, mưa, sấm, hàng cây. Từ mùa thu của đất trời nhà thơ suy lắng về thu của đời người. Điều này không chỉ khác với Xuân Diệu mà còn khác với bậc thầy viết về thơ thu trước đó là Nguyễn Khuyến. Tam nguyên viết về thu khi thu đã hoàn toàn định hình, ngự trị trong làng cảnh Việt Nam. Thi nhân tìm những nét đặc sắc để vẽ nên bức tranh thu. Nghệ thuật cổ điển ấy nghiêng về không gian với bút pháp lấy động tả tĩnh. Còn bức tranh thu của Hữu Thỉnh rõ ràng có sự vận động cả trong không gian, thời gian của đất trời và không gian, thời gian của tư tưởng. Đó là sự vận động từ ngoại cảnh vào nội tâm. Chính điều đó đã đem đến một vẻ đẹp rất riêng trong cảm nhận “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Phải tinh tế, nhạy cảm lắm thì nhà thơ mới nắm bắt được cái hồn của mùa thu trên quê hương đất Việt, nắm bắt được sự vận động của đất trời, của đời người khi sang thu.

Nét mới lạ của “Sang thu” còn toát lên từ dáng vẻ, thần thái, thi liệu, hình ảnh thơ. Nếu như thơ cổ, khi viết về đề tài mùa thu thường sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ như sương móc sa, khí thu hiu hắt, mờ mịt, dáng vẻ, thần thái cảnh vật xơ xác, tiêu điều. Ngay cả đến thơ Xuân Diệu ta vẫn bắt gặp cái hắt hiu, thê lương ấy qua dáng liễu đìu hiu như đứng chịu tang một mùa hạ rực rỡ vừa đi qua, những lá liễu rủ xuống như ngàn hàng lệ, sắc đỏ lấn dần sắc xanh, nhành cây khô gầy, gió run rẩy, trăng ngẩn ngơ, núi xa mờ nhạt trong sương, rét mướt luồn trong gió, những chuyến đò đã vắng người sang…Tất cả đều thấm màu bi thương, tàn phai, đìu hiu. Điều này ta không hề thấy trong “Sang thu” trong sáng, dịu dàng, đẹp mê hồn. Đặc biệt, ở “Sang thu” ta bắt gặp những hình ảnh, thi liệu tuy đã cũ nhưng lại rất mới. Đó là hình ảnh của sương, gió, sông, chim, mây như trong thơ cổ nhưng đã được sáng tạo mang những nét riêng đặc trưng cho hồn thơ của Hữu Thỉnh.

Bắt đầu từ hình ảnh làn sương. Sương thu được nhân hoá như một nàng thiếu nữ trẻ trung, duyên dáng: “Sương chùng chình qua ngõ” – một hình ảnh lung linh, huyền ảo. Không còn là những hạt sương mà đã là một màn sương mỏng nhẹ trôi như làn khói, đang chuyển động chầm chậm, giăng mắc nhẹ nhàng nơi đầu thôn ngõ xóm khiến cho không gian mùa thu ở làng quê trở nên hư ảo. Nghệ thuật nhân hoá cùng với từ láy “chùng chình” diễn tả hành động như là cố ý chậm lại, nhà thơ đã thổi hồn vào sự vật khiến cho màn sương thu chứa đầy tâm trạng như người đi còn vương vấn, ngập ngừng, lưu luyến, bịn rịn.

Dòng sông trên trang thơ của Hữu Thỉnh cũng mang màu sắc riêng:

“Sông được lúc dềnh dàng”

Từ láy “dềnh dàng” gợi tả dòng chảy chậm chạp, lững lờ, vẻ ngẫm nghĩ, suy tư. Một hình ảnh thơ thật thi vị lãng mạn. Dòng sông lúc sang thu không còn cuồn cuộn, gấp gáp như ngày hạ mà bỗng trở nên thong thả, dềnh dàng, lững lời trôi như đang ngẫm ngợi, suy tư. Phải tinh tế lắm Hữu Thỉnh mới nhận ra được cái “dềnh dàng” của dòng sông. Đại thi hào M.Gorki từng nói: “Thơ là tâm hồn”, vậy ắt hẳn tâm hồn nhà thơ phải luôn đong đầy cảm xúc mới có thể cho ra đời những dòng thơ sâu sắc như vậy.

Thế nhưng, đây chưa phải là tất cả những tinh hoa của vị thi sĩ tài hoa này, hình ảnh đám mây mới thực sự là hình ảnh đẹp nhất và ấn tượng nhất của tác phẩm:

“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Một liên tưởng đầy thú vị, một hình ảnh đầy chất thơ. Người ta thường hay nói: khăn vắt vai, con đường mòn vắt ngang sườn núi… Hữu Thỉnh điểm vào bức tranh thu của mình một hình ảnh mới mẻ, gợi cảm: hai nửa của một đám mây thuộc về hai mùa. Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của màu thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm và trí tưởng tượng phong phú của Hữu Thỉnh. Dải mây trắng nhẹ, xốp, trong như tấm khăn voan vắt lơi lỏng trên bờ vai của nàng thu như để làm duyên, làm dáng. Dải mây màu thu cũng giống như cây cầu thời gian nối giữa hai mùa lưu luyến. Bình về hình ảnh thơ này có người viết: “Mùa hạ, mùa thu là hai đầu bến còn đám mây là nhịp ô thước vắt qua”. Cái độc đáo của hình ảnh này là miêu tả không gian, tả đám mây trên bầu trời mà lại gợi ra bước đi của thời gian. Thu đã đến, hạ vừa qua nhưng chưa qua hẳn vẫn còn bịn rịn, lưu luyến. Một sự cảm nhận tinh tế, khác lạ của Hữu Thỉnh đã làm nên cái riêng cái độc đáo của tác giả so với các nhà thơ khác khi viết về màu thu.

Trong làng thơ thu, dường như rất ít khi gặp hương thu, nhớ về thu xa xưa của Nguyễn Trãi có câu:

“Hái cúc, ương lan, hương bén áo”

Nhưng trên trang thơ của Hữu Thỉnh hương ổi ngọt ngào, tràn ngập, lan tỏa khắp không gian:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”

Dường như tất cả cái nắng của mùa hè đã thu hết vào trong trái ổi. Để rồi sang thu, hương ổi chín nồng nàn, lan tỏa khắp không gian, luồn vào miền kí ức, đánh thức bao kỉ niệm đẹp của một thời thơ ấu bên vườn ổi quê nhà. Chính tác giả cũng từng tâm sự: “Giữa đất trời mênh mang, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kì lạ thì điều khiến cho tâm hồn lay động phải giật mình nhận ra đó chính là mùi hương ổi…Nó giống như mùi bờ bãi, mùi non trẻ…hương ổi tự nó xộc thẳng vào miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta”. Thứ hương kia không “bay”, không “quyện” mà “phả”, là xộc thẳng vào khứu giác. Thi sĩ đã sử dụng rất đắt từ ngữ gợi tả, chỉ một từ ấy cũng đủ gợi hương thơm như đang đặc sánh, ngọt ngào, đậm đặc, nồng nàn. Một mùa hương mang hồn dân tộc nhưng cũng rất riêng, rất lạ.

Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh nắng mưa, sấm chớp, bão giông không còn là những hiện tượng của thiên nhiên mà ẩn dụ về những bất trắc, vang chấn của cuộc đời khiến cho cảnh thu từ lúc nào đã đi vào tình thu một cách tự nhiên: từ ngỡ ngàng đến say đắm có chút bâng khuâng, xao xuyến, tiếc nuối và cuối cùng là trầm tư, suy lắng về cuộc đời:

“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

“Sấm” tượng trưng cho những tác động bất thường của ngoại cảnh, những khó khăn gian khổ, bất trắc của cuộc đời. Còn “hàng cây đứng tuổi” là hình ảnh ẩn dụ chỉ những con người ở độ tuổi trung niên, đã sang thu của cuộc đời. Khi đó con người đã từng trải nên họ mạnh mẽ, vững vàng và có bản lĩnh hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, họ không dễ dàng bị khuất phục trước khó khăn, sóng gió của cuộc đời. Ý thơ gợi cho ta suy ngẫm về thế hệ những người như nhà thơ. Họ được tôi luyện trong khó khăn, thử thách, từng đi qua hai cuộc kháng chiến vào sinh ra tử thì giờ đây khi đất nước đã thống nhất bước vào thời kì xây dựng, kiến thiết, dẫu trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng điều đó không làm cho họ nản lòng. Đây chính là niềm tin tưởng, niềm lạc quan của chúng ta để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn. Thực ra, thu cổ kim nào mà cảnh chẳng có tình, khi đan xen, khi bộc bạch, khi ẩn núp trong bức tranh thu. Song trong thơ Hữu Thỉnh lại có những nét trầm tư, kín đáo riêng gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm. “Sang thu” không chỉ có ở thời gian, ở thiên nhiên mà còn là sự “sang thu” của đời người. Đó chính là điều cốt yếu tạo nên sức hấp dẫn của thi phẩm “Sang thu” trong lòng bạn đọc.

Cuối cùng là bàn đến nét mới trong ngôn ngữ của “Sang thu”. Thi phẩm có được sức hấp dẫn và vẻ đẹp thi vị chính là nhờ cách sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ. Ngôn từ của bài thơ không cầu kì mà cô đọng, hàm súc. Chỉ một từ “bỗng”, “hình như” đã ghi lại cái bâng khuâng, ngạc nhiên, ngỡ ngàng, xao xuyến của hồn người sang thu. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng một số từ ngữ giàu chất văn xuôi như: được lúc, bắt đầu, vẫn, đã, bớt,… để diễn tả trạng thái mới bắt đầu, thể hiện sự quan sát, trực cảm tinh tế về thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa. Dường như, thi sĩ không chỉ quan sát mà còn cảm nhận tạo vật bằng nhiều giác quan, lắng nghe bước đi của mùa thu bằng tất cả tâm hồn. Chính bởi điều đó đã tạo nên vẻ đẹp riêng cho bức tranh sang thu.

Quy luật bất biến của thời gian là thế, hạ đi, thu về mang theo những xúc cảm ngọt ngào gieo vào lòng người những bồi hồi về một nàng thu nồng nàn, êm ái. Miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã góp thêm một nét thu duyên dáng mang dấu ấn riêng của mình vào chùm thơ thu của nền thơ ca Việt Nam.

Bài viết liên quan

Phân tích khổ cuối bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu

Trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” Bảo Ninh từng viết: “Chân trời chết chóc mở ra mênh mông, vô tận, những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn”. Chiến tranh đi qua để lại biết bao đau thương, biết bao người đã ngã xuống vì bình yên của Tổ quốc.

Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình qua bài "Nói với con" - Y Phương

Mượn lời tâm sự với con, thi sĩ đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc về những đức tính tốt đẹp của “người đồng mình” – của con người quê hương miền núi.

Cách xác định đề tài trong tác phẩm tự sự

Đề tài là phạm vi đời sống được thể hiện trong tác phẩm văn học bằng các phương tiện văn học.

Chiến thuật đọc hiểu văn bản văn học

- Trong văn bản thông tin, người truyền tin luôn chú trọng tính khách quan, chú ý mô tả, thuyết minh về một sự vật, hiện tượng nào đó, giúp người đọc nhận diện chính xác, chi tiết về đối tượng. Đó cũng là lí do mà văn bản thông tin được xếp vào loại hình phi hư cấu để phân biệt với văn bản hư cấu hay văn bản nghệ thuật.

Điểm hẹn CTVH số 9

Mới đây, gần 2 tấn thuốc (trong kế hoạch 10 tấn, tương đương 2,5 tỷ đồng), nhằm hỗ trợ người dân chăm sóc sức khoẻ, ứng phó với những căn bệnh nguy cơ trong mùa mưa lũ đã được nhà thuốc FPT Long Châu cấp tốc điều động. Đặc biệt là thuốc cảm cúm, tiêu chảy, bệnh ngoài da tại "rốn lũ" Lào Cai và Yên Bái.

Hiệu ứng tâm lý có thể dùng trong bài viết NLXH

Là hiệu ứng tâm lý thường gặp khi con người luôn bị ám ảnh bởi cảm giác sẽ bỏ lỡ một thông tin, một cơ hội nào đó trong cuộc sống. Vì vậy, họ cố gắng làm những việc đôi khi thừa thãi, những công việc khiến họ khó chịu và gây nghiện chỉ vì sợ bỏ lỡ điều gì đó.

Biểu tượng có thể áp dụng trong bài viết NLXH

Trong thần thoại Hy Lạp, câu chuyện về chiếc hộp Pandora kể về một con gái có tên Pandora. Do tò mò nên Pandora đã mở chiếc hộp quà tặng của thần Zeus. Hậu quả là tất cả cái ác và bệnh dịch trong hộp được giải phóng ra ngoài và xuất hiện tràn lan khắp thế giới.

Đoạn văn NLXH 200 chữ | Vai trò của niềm hy vọng trong cuộc sống

Hi vọng là niềm tin, sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ xảy đến, sống lạc quan, không ngừng nỗ lực trong cuộc sống và công việc để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tư liệu liên hệ, mở rộng cho thi phẩm "Sang thu" - Hữu Thỉnh

Khi phân tích hình ảnh “Chim bắt đầu vội vã”, chúng ta có thể liên hệ đến hình ảnh cánh chim được miêu tả trong “Tràng giang” của Huy Cận

Tư liệu liên hệ, mở rộng thi phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" - Thanh Hải

Liên hệ quan niệm sống đẹp của tác giả Thanh Hải với nhân vật vô danh trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long hay trong lời của bài hát “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh

Dẫn chứng NLXH hay về lòng dũng cảm

Nhận tin báo, anh Văn chạy xe tới thẳng hiện trường, lao vào ngôi nhà đang bốc lửa khói để cứu người thân và cứu thêm được một số nạn nhân. Hành động dũng cảm của anh đã khiến nhiều người không khỏi cảm động

Đoạn văn NLXH 200 chữ | Vai trò của sự khác biệt trong cuộc sống

Trong nhan đề một truyện ngắn của mình John Mason từng viết: “Bạn sinh ra là một nguyên bản. Đừng chết như một bản sao”, câu nói đã để lại trong mỗi người suy ngẫm về sự khác biệt và vai trò của nó trong cuộc sống.

Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng"

Ông Hai - nhân vật chính trong truyện ngắn “Làng”, người làng Chợ Dầu. Ông rất yêu làng, không muốn xa làng nhưng vì hoàn cảnh gia đình và theo chính sách của cụ Hồ buộc lòng gia đình ông Hai phải rời làng đi tản cư. Nhưng không phải rời làng là ông Hai bỏ lại sau lưng tất cả mà lúc nào ông cũng trông ngóng dõi theo những biến chuyển của làng quê.

Cảm nhận về nhân vật bác lái xe trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa"

Bác lái xe là nhân vật xuất từ đầu dẫn dắt câu truyện, nhưng cũng kịp thể hiện những nét đẹp trong tính cách. Là người rất yêu công việc, bao nhiêu năm trong nghề lái xe mà vẫn luôn giữ được tính cởi mở, niềm nở có trách nhiệm với công việc, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Cung đường đi qua không biết bao lần nhưng mỗi một chuyến đi với bác đều như mới.

Cảm nhận về nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa"

Ông họa sĩ cảm nhận được nét đẹp của người lao động mới qua hình ảnh anh thanh niên. Ông định vẽ chân dung anh nhưng anh từ chối và giới thiệu 2 người khác xứng đáng hơn, đó là ông kĩ sư trồng rau và người cán bộ nghiên cứu sét. Ông họa sĩ và cô gái chia tay anh để tiếp tục cuộc hành trình với bao tình cảm lưu luyến. Cuộc gặp gỡ ấy tuy chỉ vỏn vẹn ba mươi phút nhưng đã khiến ông đã bị ấn tượng bởi anh thanh niên, anh có tầm vóc nhỏ và nét mặt rạng rỡ.

Vẻ đẹp của nhân vật Anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”

Anh thanh niên - nhân vật chính trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, truyện ngắn được viết năm 1970, sau chuyến đi Lào Cai của tác giả. Đây là thời kỳ miền Bắc tích cực lao động xây dựng phát triển kinh tế, xã hội và đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ.

Suy nghĩ về tình cảm cha con trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Qua đó em hãy nêu cảm nhận của em về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện nay

“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là truyện ngắn khá dài được viết theo cách truyện lồng trong truyện, mà phần chính là câu chuyện của bác Ba kể về hai cha con ông Sáu. Truyện ngắn đã khẳng định một chân lý vĩnh hằng: Tình cảm gia đình, tình phụ tử là vô cùng thiêng liêng, cao đẹp, sâu nặng, nó vượt lên mọi khó khăn thậm chí trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, hiểm nguy.