Văn chương là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Qua đó, kí thác hiện thực thể hiện tình cảm, tư tưởng của độc giả.
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, tác phẩm văn học là “công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hoặc tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát bằng hình tượng về cuộc sống con người, biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ của chủ thể trước thực tại”.
Hình tượng nghệ thuật là những bức vẽ về con người, cuộc đời cụ thể được nhà văn sáng tạo qua những liên tưởng, tưởng tượng.
Theo sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12: “Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc hoà mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm vào thế giới được dựng lên bằng ngôn ngữ, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của nghệ sĩ sáng tạo. Bằng kinh nghiệm sống, trí tưởng tượng, vốn văn hoá và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật, dõi theo diễn biến của cốt truyện, làm cho tác phẩm từ văn bản khô khan biến thành thế giới nghệ thuật sinh động, cuốn hút bạn đọc. Như vậy, quá trình tiếp nhận văn học là quá trình tích cực của tâm trí, cảm giác người đọc, nhằm biến văn bản thành thế giới nghệ thuật theo tâm trí mình”
Phong cách nghệ thuật là chân dung tinh thần riêng của nhà văn được thể hiện trong sáng tác. Được hình thành bởi sự thống nhất của các phương tiện biểu hiện, phù hợp với cái nhìn độc đáo của nhà văn về cuộc sống.
Cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” định nghĩa: Thơ là “hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”.
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, phản ánh cuộc sống trong tính khách quan của nó thông qua con người, hành vi và các sự kiện. Truyện ngắn đề cập đến hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng.
Tình huống truyện là một biến cố, một sự kiện trong cuộc sống được nhà văn “lạ hóa” để làm nổi rõ bản chất thật của con người, sự việc. Qua đó, tác giả gửi gắm tình cảm, suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó của đời sống.
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” định nghĩa: “Chi tiết nghệ thuật là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”.